Friday, December 31, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 1-1-11
DỤ NGÔN NHỮNG NGƯỜI MÙ RỜ VOI
Dù kinh qua nhưng phiến diện vẫn sai lầm

IV) (Ud 66)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như sau: "Thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là vô thường, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là có biên tế, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là một, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là khác, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".

Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi, để khất thực, Khất thực ở Sàvatthi xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực..."... như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".

- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh... như thế này là pháp. Này các Tỷ-kheo, thưở xưa tại thành Sàvatthi này, có một ông vua. Này các Tỷ-kheo, ông vua ấy bảo một người: "Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi hãy nhóm lại một chỗ tất cả " - "Thưa vâng, Ðại vương". Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi, người ấy giữ lại tất cả, rồi đi đến ông vua ấy, sau khi đến thưa với vị vua: "Thưa Ðại vương, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi đã được tụ tập lại".

- Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù.

Thưa vâng, Ðại vương. Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, đưa ra một con voi cho những người mù: "Này các người mù, đây là con voi". Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái chân... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: "Thưa Ðại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời! " Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: "Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa? " - "Thưa Ðại vương, chúng tôi đã thấy con voi". - Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào? " Này các Tỷ-kheo, những ai thấy đầu con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái ghè! " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái tai con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo. " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái ngà con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày. " Những ai... được thấy cái vòi..."... như cái cày". Những ai... được thấy cái thân..."... như cái kho chứa. " Những ai... được thấy cái chân..."... như cái cột. " Những ai... được thấy cái lưng..."... như cái cối. " Những ai... được thấy cái đuôi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chày". Những ai được thấy cái nhóm lông đuôi, chúng nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chổi " - "Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi". Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay. Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua ấy hoan hỷ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt... như vậy là pháp.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:

4. Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía.

KINH PHẬT TỰ THUYẾT. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Sunday, June 20, 2010

Câu chuyện trong ngày 22-6-2010
CHÁNH MẠNG CỦA SA MÔN
Có những điều rất lương thiện với người nầy nhưng không thích đáng với người kia


X. Sùcimukhi (Tịnh Diện) (S.iii,238)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi sáng. đắp y, cầm y bát, đi vào Ràjagaha để khất thực. Sau khi đi khất thực từng nhà một ở Ràjagaha (Vương Xá), Tôn giả ngồi dựa vào một bức tường, dùng đồ ăn khất thực.

3) Rồi một nữ du sĩ ngoại đạo Sùcimukhi đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta:

4) -- Này Sa-môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?

-- Này Chị, tôi ăn, không cúi mặt xuống.

5) -- Vậy Sa-môn, Ông ăn, ngưỡng mặt lên?

-- Này Chị, tôi ăn, không ngưỡng mặt lên.

6) -- Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?

-- Này Chị, tôi ăn, không có hướng mặt về bốn phương chính.

7) -- Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?

-- Này Chị, tôi ăn, không có hướng mặt về bốn phương phụ.

8) -- Ðược hỏi: "Này Sa-môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?" Ông trả lời: "Này Chị, tôi ăn, không cúi mặt xuống". Ðược hỏi: "Vậy này Sa-môn, Ông ăn, ngưỡng mặt lên?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không ngưỡng mặt lên". Ðược hỏi: "Vậy này Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương chính". Ðược hỏi: "Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương phụ". Vậy này Sa-môn, Ông ăn, hành động như thế nào?

9) -- Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý (nakkhattavijjà) và súc sanh minh (nghề hèn hạ); này Chị, các vị ấy được gọi là các Sa-môn, Bà-la-môn ăn cúi mặt xuống.

10) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn (nakkhattavijjà) và súc sanh minh (nghề hèn hạ); này Chị, các vị ấy được gọi là các Sa-môn, Bà-la-môn ăn ngưỡng mặt lên.

11) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới; này Chị, các vị ấy được gọi các Sa-môn, Bà-la-môn ăn hướng mặt về bốn phương chính.

12) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán, và các nghề hèn hạ; này Chị, các vị ấy được gọi những Sa-môn, Bà-la-môn ăn hướng mặt về bốn phương phụ.

13) Còn ta, này Chị, ta không nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý và các nghề hèn hạ; ta không nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn và các nghề hèn hạ; ta không nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới; ta cũng không nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán và các nghề hèn hạ. Ta tìm món ăn một cách hợp pháp. Sau khi tìm món ăn một cách hợp pháp, ta dùng các món ăn ấy.

14) Rồi nữ tu sĩ ngoại đạo Sùcimukhi đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư này qua ngã tư khác ở thành Vương Xá, và tuyên bố: "Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách hợp pháp. Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách không có lỗi lầm. Hãy cúng dường các món ăn cho Sa-môn Thích tử".
Câu chuyện trong ngày 21-6-2010
NGŨ CĂN
Tất cả hành giả tu tập cần biết cơ sở căn bản của đời sống nội tâm

10. X. Phân Tích (Tạp 26,14, Ðại 2,183b) (S.v,197)

1) Tại Savatthi, ... Thế Tôn thuyết

2) -- Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi; đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận; đối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi; đối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, và lời nói từ lâu. Vị ấy trú, quán thân trên thân... quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ... an trú Thiền thứ hai... an trú Thiền thứ ba... từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.


Thảo luận

1. Ngũ căn ở đây là "vốn liếng" đã có hay là pháp đang được huân tập?
2. Tại sao tín căn ở đây chỉ nêu lên niềm tin ở Phật mà không có pháp và tăng?
3. Thế nào là "gánh nặng đối với thiện pháp"?
4. Chữ "căn" ở đây và chữ "căn tu" thường được nói có giống nhau chăng?

Đố vui

Nói về tiền trong doanh nghiệp thì có tiền vốn và tiền lời. Đa số lấy lời khuyếch trương số vốn. Trong sự tu tập có sự kiện tương tự như vậy chăng?

a. Có. Nếu người lấy thành quả tu tập tạo thành thắng duyên để đi tới đó là lấy quả tạo thêm nhân lành.

b. Nghiệp tạo quả; quả có thể là duyên sanh phiền não hay thiện tâm; tâm thiện và bất thiện lại tạo quả đó là vòng luân chuyển.

c. Những thành quả trong sự tu tập có thể dùng làm lực đẩy cho hành trình tu tập
d. Cả ba câu trên đều đúng.

Tuesday, January 26, 2010

MA QUỶ CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?

Phật Pháp Vấn Đáp: 28-1-2010

1
Hỏi: Phải chăng từ ngữ "phi nhân" trong kinh điển chỉ cho ma quỷ?
Phi nhân thường được dùng chỉ cho các hạng hóa sanh không phải loại người. Trong đó kể cả chư thiên, dạ xoa, a tu la, ngạ quỹ sống trên địa cầu giữa nhân loại.

Hỏi: Phi nhân có thể hại người không?
Có thể và cũng không thể. Tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân. Câu hỏi nầy giống như hỏi chúng ta đi đường có thể bị trộm cướp không. Thông thường chuyện đó ít xẩy ra nhưng không phải là không xẩy ra.

Hỏi: Làm sao để ma quỷ khỏi nhiễu hại?
Không nên tự ám ảnh chính mình. Trong kinh điển thường nói đến ba cách ngăn ngừa phi nhân quấy nhiễu: thường niệm tưởng ân đức Phật, tu tập tâm từ, năng hồi hướng phước cho chư thiên.

SỰ VÔ THƯỜNG NÊN ĐƯỢC NHẬN THỨC THẾ NÀO

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP, THỨ BA 26-1-2010


1
Hỏi: Chiều kích của thời gian và không gian ảnh hưởng sự nhận thức về vô thường ra sao?
Đáp: Sự thay đổi mau chậm của sự vật ảnh hưởng lớn sự nhận thức của tâm về trạng thái vô thường. Thí dụ những biến đổi địa chất thường quá chậm khiến người ta cảm thấy núi non dường như luôn luôn bất động; hay sự tuôn chảy không ngừng nghỉ của dòng sông khiến chúng ta cảm giác như giòng nước lúc nào cũng vậy. Thiền quán và tuệ quán giúp hành giả nhận thức sự vô thường chân xác hơn.

2
Hỏi: Sự "nhàm chán đối với các hành" trong các bản dịch Việt ngữ nên được hiểu như thế nào?
Đáp: Nói một cách khác là không ái chấp, dính mắc với các pháp hữu vi. Chữ nhàm chán trong tiếng Việt thường mang tính tiêu cực. Trong ngữ cảnh của kinh văn nên hiểu là "không nên tha thiết với điều không đáng tha thiết"

3
Hỏi: Phải chăng khi nhận thức về vô thường chỉ nên nhận thức trực tiếp thí dụ như quán sát hơn thở, sự thay đổi của các oai nghi (tư thế).. hơn là suy diễn?
Không hẳn như vậy. Trong pháp quán niệm xứ có nhiều phần dựa trên sự suy luận. Trí tuệ có thể sắc bén do cả ba phương diện: học hỏi, suy tư và quán chiếu. Giống như trong khoa học vật lý ngày nay có rất nhiều định lý dựa trên tư duy chứ không thể bằng dụng cụ đo đạt.

Monday, January 25, 2010

KHUYNH HƯỚNG CÁ NHÂN

Hỏi: Trong Phật Pháp có lời dạy nào tương đồng với câu "nhân chi sơ, tánh bổn thiện" không?

Giáo lý nghiệp báo cho thấy mỗi chúng sanh chào đời đều thừa hưởng nghiệp quá khứ, kể cả thói quen thô tế. Hai em bé cùng tuổi sanh ra trong một gia đình với bối cảnh giống nhau nhưng vẫn có nhiều cá tánh sai biệt. Không có bằng cớ nào xác định là lúc mới sinh ra con người có cá tính và khuynh hướng giống nhau.

Hỏi: Trong mỗi con người đều có cả hai phần thiện và bất thiện vậy thì cái nào là khuynh hướng thật sự?

Mặc dù trong tâm của chúng sanh có cả tánh thiện, tánh bất thiện và những trạng thái ngoài hai thiện ác nhưng vẫn có những pháp vượt trội. Thí dụ trong A Tỳ Đàm nói đến "tứ trưởng" hay các Quyền (indriya).

Hỏi: Nếu một người không thích gần người thiện thì sự miễn cưỡng, dù bằng thiện chí, có "phản tác dụng" chăng?

Không phải chỉ có hai khuynh hướng duy nhất là thiện hay bất thiện. Trong khuynh hướng thiện cũng có nhiều ý hướng cá biệt. Nên nhớ rằng "môi trường thoải mái" và "môi trường lơi lạc" không nhất thiết là một. Nên tự vấn là hoàn cảnh mình hướng đến có lợi ích lâu dài cho sự tu tập bản thân hay không.

Saturday, January 23, 2010

Nên quan niệm thế nào về chuyện may rủi

Hỏi: Đức Phật đã viên tịch niết bàn vậy uy đức của Phật hiển hiện như thế nào?
Đáp: Uy đức của Phật cũng như Pháp và Tăng không thỏể quan niệm theo cách suy nghĩ đơn thuần là một cá thể thần linh mà chính ở uy đức (guna) và sự cảm nhận của người tưởng nghĩ đến Tam Bảo.

Hỏi: Phải chăng luôn luôn lạc quan tin tưởng ở sự may mắn tốt hơn là lo lắng những rủi ro có thể xẩy ra?

Đáp: Thái độ tích cực của tinh thần không phải chỉ có hy vọng ở điều tốt đẹp mà còn chuẩn bị cho những bất trắc và có khả năng kham nhẫn trước những điều ngoài ý muốn.

Hỏi: Đồng ý là thắng bại tạo thành vui buồn nhưng nếu không có thắng bại rủi may thì đời sống có vô vị chăng?

Đáp: Có những niềm vui vô hại mà cũng có những niềm vui mang lại bất hạnh. Mình vui mà vì đó mà người khác buồn thường là niềm vui chứa nhiều độc tố.

Thursday, January 21, 2010

Người Phật tử quan niệm thế nào về sự cầu nguyện?

V. Phải chăng giáo lý nghiệp báo phủ nhận giá trị của tha lực?
Đ. Giáo lý nghiệp báo đề cập nhiều năng lực, ảnh hưởng. Có những năng lực nội tại, có năng lực ngoại giới. Tuy vậy dòng tâm thức của mỗi cá nhân, trong đó chủ tâm tạo tác (cetana), là nhân tố quyết định quan trọng nhất để tạo nghiệp. Phủ nhận vai trò chủ chốt của nội tâm trong việc tạo quả là hiểu không chính xác về nghiệp báo trong Phật Pháp.

V. Nếu cầu nguyện, dù linh ứng hay không, nhưng nhất thời cũng trấn an được sự lo lắng thì sự cầu nguyện đó có được khuyến khích trong Phật giáo không?
Đ. Sự trấn an nhất thời không phải lúc nào cũng tốt. Đôi khi có thể tạo nên lo âu, nghi hoặc thầm kín khác. Ngài Walpola Rahula gọi đó là một thái độ chính trị chứ không phải là thái độ hiểu biết. Bên cạnh sự cầu nguyện thì sự can đảm, kham nhẫn, sáng suốt là những thái độ rất lợi lạc.

V. Nếu nói chính xác thì người Phật tử có cầu nguyện không? và cầu nguyện với đấng thiêng liêng nào?
Đ. Từ ngữ thường dùng cho người Phật tử là "nguyện" hay vận dụng năng lực thiêng liêng cho tâm nguyện gì đó. Người Phật tử tin vào uy lực của Tam Bảo, sự hộ trì thương tưởng của chư thiên và năng lực của phước báu từ thiện hạnh.

Lời ngỏ

Blog nầy được tạo ra cho chương trình Phật Buddhadhamma. Tuy vậy có thể dùng cho đại chúng để tìm hiểu Phật Pháp. Ghi lại câu hỏi tại blog nầy sẽ có câu trả lời. Những câu hỏi liên quan tới Phật Pháp, Phật sự đều tốt để thảo luận.

TK GIÁC ĐẲNG